Ngày 07 tháng 3 năm 2024, tại thành phố Melbourne, Australia, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese, đại diện hai chính phủ và các cơ quan chức năng đã long trọng tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc đưa lao động Việt Nam sang Australia làm việc theo chương trình lao động kỹ năng và lao động theo mùa.
Thỏa thuận được ký kết giữa đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, cùng với các đối tác tuyển dụng và doanh nghiệp hai nước. Đây là bước tiến quan trọng nhằm cụ thể hóa cam kết của hai chính phủ trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Australia, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động Australia về nguồn nhân lực chất lượng cao từ Việt Nam.
Triển khai các chương trình visa lao động hợp pháp như:
Visa 408 và 403 (lao động mùa vụ – chương trình PALM);
Visa 482 (lao động kỹ năng tạm thời – TSS);
Và các chương trình đặc thù thuộc các ngành nghề có nhu cầu cao.
Ngành nghề triển khai tuyển dụng:
Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đóng gói nông sản);
Chế biến thực phẩm & thủy sản;
Xây dựng, hạ tầng;
Logistics, kho vận, vận hành máy móc;
Dịch vụ khách sạn, nhà hàng;
Lao động kỹ thuật ngành nghề (hàn, điện, cơ khí…).
Cam kết từ phía Australia: đảm bảo điều kiện làm việc công bằng, mức lương theo chuẩn TSMIT (mức lương tối thiểu theo ngành), hỗ trợ chỗ ở, bảo hiểm, và quyền lợi xã hội cho người lao động.
Cam kết từ phía Việt Nam: chuẩn hóa quy trình tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ và tay nghề, kiểm tra sức khỏe và hồ sơ pháp lý, cũng như giám sát việc đưa lao động đi và chăm sóc sau xuất cảnh.
Việc ký kết thỏa thuận này không chỉ mở rộng cánh cửa việc làm hợp pháp, thu nhập cao và môi trường làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và thúc đẩy hợp tác lao động bền vững giữa hai quốc gia.
Chương trình được kỳ vọng sẽ đưa hàng nghìn lao động Việt Nam sang Australia làm việc mỗi năm, góp phần khẳng định vị thế và uy tín của nguồn lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế.
.......................................................................................................................................
Chiều ngày 07/11/2024, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã có buổi tiếp Đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Canada tại Việt Nam do bà Genevieve Michaud – Bí thư thứ nhất, Tổng Lãnh sự quán Canada làm Trưởng đoàn nhằm trao đổi, thúc đẩy hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Canada thời gian tới. Cùng dự buổi tiếp có đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và Vụ Hợp tác quốc tế.
Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã dành thời gian tiếp đoàn, bà Genevieve Michaud – Bí thư thứ nhất, Tổng Lãnh sự quán Canada cho biết, Chính phủ Canada đang đẩy mạnh các chương trình thu hút lao động từ nước ngoài, nhất là lao động tay nghề cao và lao động có kỹ năng được ưu tiên… Bên cạnh đó, lao động phổ thông cũng được đón nhận, chủ yếu trong các ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ.
Theo bà Genevieve Michaud, thời gian qua, Canada chưa dành sự quan tâm đúng mức đến vấn đề tuyển dụng lao động nước ngoài. Công tác tuyển dụng lao động nước ngoài còn thụ động, giải quyết vấn đề theo tình huống khẩn cấp, không có kế hoạch lâu dài. Việc hợp tác tuyển dụng lao động với Việt Nam còn manh mún.
“Mới đây, khi tham dự Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức, đã có nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ các quốc gia như Nhật Bản, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)… đánh giá cao vai trò của người di cư trong thúc đẩy phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và cả các quốc gia tiếp nhận.” – bà Genevieve Michaud cho biết.
Chính vì vậy, bà Genevieve Michaud mong muốn đẩy mạnh hợp tác lao động giữa Việt Nam và Canada nhằm gia tăng số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Canada, ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Đáp lời bà Genevieve Michaud, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Canada không ngừng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, hợp tác về lao động giữa hai nước còn khiêm tốn, trong khi Canada có nhu cầu sử dụng lao động lớn, thì Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, dân số đang trong thời kỳ vàng.
Theo Thứ trưởng, năm 2010, Bộ LĐTBXH ký với Bộ Phát triển giáo dục, Việc làm và Lao động Bang Saskatchewan, Canada Bản ghi nhớ về việc hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc triển khai Bản ghi nhớ chưa đạt được kết quả như mong đợi của 2 bên. Cho đến nay chưa có lao động Việt Nam nào sang làm việc tại Canada theo Chương trình này.
Bên cạnh đó, đầu năm 2021, Công ty cổ phần nhân lực Việt Nam Nhật Bản (JAVICO) đăng ký và được Bộ LĐTBXH cho phép đưa 48 lao động nữ sang làm việc tại Canada với công việc là chế biến tôm hùm. Sau khi đưa 48 lao động đi và được chủ sử dụng đánh giá cao, Công ty JAVICO tiếp tục được đối tác tin tưởng ký hợp đồng cung ứng tiếp 55 lao động sang làm việc. Đến nay, đã đưa tổng số 88 lao động sang làm việc tại Canada.
“Ngoài Công ty Javico khai thác được hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Canada nêu trên, không có thêm doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam thực hiện đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Canada tại Cục Quản lý lao động ngoài nước” – Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Thứ trưởng cho biết, hiện có trên 800.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trung bình có trên 100.000 người lao động được đưa đi hàng năm, tập trung nhiều nhất tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Bộ LĐTBXH đang cấp phép và quản lý hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan mong muốn 2 bên hợp tác để thúc đẩy đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản, đúng quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài thực hiện và các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động của Canada đủ cơ sở căn cứ hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị phía Canada trao đổi cụ thể về nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Canada cũng như định hướng về xúc tiến Thỏa thuận/ Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa Việt Nam và Canada để hai bên thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên, qua đó trao đổi những vấn đề hai bên quan tâm, vướng mắc.
Ghi nhận ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, bà Genevieve Michaud cho rằng đây là thời cơ để hai bên thúc đẩy hợp tác về lao động và bà sẽ báo cáo lại với các cơ quan chức năng liên quan của phía Canada để tạo đà cho hợp tác lao động giữa hai bên thời gian tới.
......................................................................
Ngày 03/11/2024
Gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc Kim Ni Suk, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 84.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo các Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài. Tuy nhiên, hiện số lao động được các địa phương cử đi làm việc qua các chương trình lao động thời vụ chưa tương xứng với kỳ vọng của Chính phủ hai nước. Thứ trưởng Kim Ni Suk chia sẻ quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc có vị trí hết sức đặc biệt, lao động Việt Nam nhìn chung được các đơn vị sử dụng lao động của Hàn Quốc đánh giá cao và tin tưởng lựa chọn.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan gặp và trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc Kim Ni Suk
“Với xu hướng già hóa dân số hiện nay, Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài. Các tiêu chí lựa chọn quốc gia tiếp nhận sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố nhu cầu và đề xuất của doanh nghiệp và việc tỉ lệ giảm lao động sinh sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc”- ông Kim Ni Suk đề xuất. Cho biết, nếu các vướng mắc về lao động bất hợp pháp có thể được giải quyết, phía Hàn Quốc sẵn sàng mở rộng việc chuyển đổi visa E9 sang E7 cho lao động Việt Nam. Ông Kim Ni Suk nhấn mạnh, Hàn Quốc luôn ủng hộ việc thúc đẩy hợp tác song phương với Việt Nam cũng như thông qua hợp tác với các nước ASEAN trong khuôn khổ ASEAN +3. Tại buổi gặp gỡ, hai bên nhất trí sẽ tích cực phối hợp giữa hai cơ quan để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong thời gian tới.
.......................................................................................................................................
Sáng ngày 29/10/2024, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã có buổi tiếp ông Kim Hangil - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết quốc gia Hàn Quốc làm Trưởng đoàn nhằm trao đổi về tình hình hợp tác đưa lao động giữa Việt Nam – Hàn Quốc. Cùng dự buổi tiếp có Lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Bảo hiểm xã hội, Trung tâm lao động ngoài nước.
Cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian tiếp đón Đoàn, ông Kim Hangil - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết quốc gia Hàn Quốc chia sẻ, sau 10 năm quay trở lại Việt Nam, cá nhân ông nhận thấy Việt Nam đã có bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều chính sách cải thiện môi trường làm việc, tăng chế độ đãi ngộ với người lao động nước ngoài, rộng mở nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Hiện Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số những nước phái cử lao động sang Hàn Quốc, trong khi số lượng lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam cũng tăng nhanh hằng năm. Việt Nam là một trong những nơi được người Hàn Quốc lựa chọn nhiều nhất để đi du lịch.
Ông Kim Hangil thông tin, trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, đoàn công tác của ông đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe và ghi nhận những ý kiến của các lao động Việt Nam đi làm việc theo Chương trình EPS đã về nước trong quá trình sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Tại buổi tiếp hôm nay, ông Kim Hangil mong muốn lắng nghe ý kiến của Bộ LĐTBXH về tình hình hợp tác lao động giữa hai nước thời gian qua, đặc biệt Hàn Quốc rất quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đáp lời ông Kim Hangil, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm Hàn Quốc kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện (tháng 12/2022), mở ra những cơ hội hợp tác mới vì sự hùng cường và thịnh vượng của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước. Trong xu thế phát triển đó, hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.
Về hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, kể từ khi triển khai hợp tác lao động đến nay, Việt Nam có trên 66.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo 4 kênh hợp tác bao gồm: Chương trình EPS (thị thực E9), lao động chuyên môn kỹ thuật (thị thực E7), thuyền viên tàu cá (thị thực E10) và lao động thời vụ (thị thực E8). Năm 2023, Việt Nam phái cử được 15.120 lao động sang Hàn Quốc, cao nhất trong 10 năm gần đây.
“Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh phù hợp và môi trường làm việc khá tốt. Cùng với đó, hai nước có những điểm tương đồng như: tương đồng về lịch sử, tương đồng về cách suy nghĩ nên dễ đồng cảm, tương đồng trong giao lưu nhân dân…” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Nhiều lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi về nước nhiều đã rất thành công. Có người tự thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ, tự kinh doanh; có lao động tiếp tục quy lại Hàn Quốc để làm việc; và có nhiều lao động làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng, người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được các chủ sử dụng lao động đánh giá là cần cù, chăm chỉ, tay nghề cao, sáng tạo, đang ngày càng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước.
Cũng theo Thứ trưởng, một trong những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác về bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động hai nước thời gian qua là việc ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam - Hàn Quốc vào cuối năm 2021. Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác.
Việc ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm của Chính phủ hai nước đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển người lao động cũng như để bảo đảm quyền lợi của người lao động của cả hai quốc gia.
Tại buổi tiếp, Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước, Vụ Bảo hiểm xã hội cũng đã có những chia sẻ về sâu hơn về kết quả các chương trình hợp tác lao động giữa hai nước. Đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác nguồn nhân lực, lao động giữa hai nước thời gian tới như: Tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình EPS và mở rộng ngành nghề tiếp nhận mới mà Hàn Quốc có nhu cầu như công nghệ thông tin, điều dưỡng và dịch vụ. Ngoài ra, xem xét tăng số lượng trúng tuyển trong các kỳ thi tiếng Hàn để tránh lãng phí, gây tốn kém cho người lao động, giảm chi phí tiếp cận Chương trình EPS; Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các công ty tiếp nhận, sử dụng người lao động bất hợp pháp.
Ghi nhận những đề xuất từ phía Bộ LĐTBXH, ông Kim Hangil cho biết, sau khi về nước, ông sẽ có ý kiến với các đơn vị chức năng liên quan của Hàn Quốc về những đề xuất từ phía Bộ, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác nguồn nhân lực, lao động giữa hai nước và ông khẳng định hợp tác lao động đem lại lợi ích cho cả hai bên
................................................................
Chiều 11/10/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo Thúc đẩy hợp tác lao động Việt Nam - châu Âu. Hội thảo đã thu hút quan tâm và tham dự của gần 200 đại biểu từ Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, các Hiệp hội, doanh nghiệp đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, cùng đại biểu 15 Cơ quan đại diện ngoại giao châu Âu tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu. Ngoài ra, các cơ quan đại diện Việt Nam ở châu Âu đã tham gia trực tuyến.
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đồng chủ trì.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, hội thảo được tổ chức nhằm mục đích đưa ra một bức tranh tổng quan về thực trạng hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước châu Âu.
Qua đó, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội và thách thức đối với từng thị trường để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, định vị lĩnh vực hợp tác lao động trong tổng thể quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và từng đối tác châu Âu.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan khái quát, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hiện nay có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
"Khu vực châu Âu luôn được đánh giá là những thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc. Lao động Việt Nam đã bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Hội thảo đã thu hút quan tâm và tham dự của gần 200 đại biểu từ Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, các Hiệp hội, doanh nghiệp đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cùng đại biểu 15 CQĐD ngoại giao Châu Âu tại Hà Nội.
Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu có quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Hoạt động hợp tác này mang lại lợi ích to lớn cho mỗi nước.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số. Việt Nam là nước có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp.
Tham gia hội thảo, đại sứ quán các nước châu Âu tại Hà Nội thống nhất xác nhận thị trường này có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động lành nghề Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo chất lượng nguồn cung, có chính sách lương bổng ổn định cùng nhiều thuận lợi về chính sách lao động.
Các doanh nghiệp cung ứng nhân lực đánh giá hoạt động hợp tác lao động với châu Âu gặp một số khó khăn như chưa có đầy đủ thông tin về thị trường lao động tại đây, chuyên môn, kỹ năng của lao động Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về lao động của các nước trong khu vực...
Bế mạc hội thảo, lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao và Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất quan điểm phối hợp thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động trong thời gian tới, duy trì và phát triển hợp tác bền vững, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
..........................................................................................................................................
Chiều ngày 06/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội (Bộ LĐTBXH) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại Lễ công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia
Theo đó, Chính phủ Australia sẽ cho phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia tại cùng một thời điểm. Người lao động Việt Nam tham gia Chương trình có thể làm công việc ngắn hạn (từ 6 đến 9 tháng) hoặc làm công việc dài hạn (từ 1 đến 4 năm). Vị trí việc làm của người lao động Việt Nam chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề thấp đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp.
Vào đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ của hai nước đã cùng công bố Kế hoạch thực hiện của chương trình, trong đó nêu rõ các yêu cầu, điều kiện đối với lao động Việt Nam tham gia chương trình cũng như vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan để đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
Việc lựa chọn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Người sử dụng lao động Australia tham gia vào chương trình được thực hiện trong tháng 9. Bộ LĐTBXH và Chính phủ Úc cùng phối hợp lựa chọn doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam tham gia vào Chương trình.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Hợp tác lao động là một thành tố quan trọng trong quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam và Australia, là dấu mốc quan trọng về hợp tác kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Hai nước triển khai thực hiện Thỏa thuận nhằm đáp ứng nguyện vọng của người lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tích lũy kiến thức, khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập cao... Khi hoàn thành hợp đồng lao động về nước có thể áp dụng, thực hiện có hiệu quả, tăng năng suất lao động; đồng thời người lao động đi làm việc tại Australia nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về nguồn nhân lực của người sử dụng lao động Australia".
Bà Renee Deschamps - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam
Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, Trung tâm Lao động ngoài nước (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐTBXH) và tối đa sáu (06) doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được lựa chọn tham gia chương trình. Đơn vị sự nghiệp doanh nghiệp dịch vụ không được lựa chọn sẽ không được tham gia và tuyển dụng lao động cho chương trình. Phí tuyển dụng sẽ do người sử dụng lao động của Australia chi trả cho đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam.
Bà Renee Deschamps - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: "Chương trình hợp tác này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Việt Nam và Australia. Chương trình sẽ mang đến cho người lao động Việt Nam các cơ hội nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong khi đảm nhận các vị trí công việc ở vùng nông thôn và địa phương tại Australia. Chương trình này cũng nhấn mạnh hợp tác kinh tế và mối liên kết tăng cường giữa người dân Australia và Việt Nam, đồng thời phản ảnh Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cao của chúng ta”.
Theo Phó Đại sứ, Australia và Việt Nam đều cam kết đảm bảo cho người lao động tham gia chương trình PALM được an toàn và giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan đến gian lận, hoạt động tuyển dụng phi đạo đức và bóc lột lao động. Chúng tôi mong muốn làm việc cùng các doanh nghiệp dịch vụ có kinh nghiệm tại Việt Nam và có các chính sách và hoạt động tuyển dụng công bằng, có đạo đức và minh bạch.
Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin về chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia
Doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam có nhu cầu tham gia Chương trình có thể nộp hồ sơ tới Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB). (Doanh nghiệp tham khảo tại đây)
Đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam được lựa chọn sẽ tiến hành tuyển dụng lao động Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng cung ứng lao động được Bộ LĐTBXH (Cục Quản lý lao động ngoài nước) chấp thuận và kế hoạch tuyển dụng của người sử dụng lao động Australia đã được cơ quan có thẩm quyền Australia phê duyệt.
Người lao động Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về tiêu chí, điều kiện, được người sử dụng lao động Australia tuyển dụng và được cấp thị thực sẽ được hỗ trợ để đến Australia làm việc theo cơ chế Chương trình Di chuyển lao động Thái Bình Dương - Australia (PALM). (Người lao động Việt Nam tham khảo tại đây)
.....................................................................
04/07/2024 - Trong chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik trao đổi về các nội dung hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đặc biệt là công tác phái cử lao động Việt Nam theo Chương trình EPS, lao động có chuyên môn kỹ thuật và hợp tác với các địa phương đang ngày càng mở rộng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gặp Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin với Bộ trưởng Lee Jung Sik về thành công của Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc. Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo hai Bộ tiếp tục thúc đẩy và phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các chính sách phái cử và tiếp nhận lao động để thúc đẩy hợp tác lao động lên tầm cao mới. Trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc cả hai nước cùng tương hỗ trong lĩnh vực lao động khi dân số Hàn Quốc đang già hóa nhanh và Hàn Quốc đang đối mặt với thách thức to lớn về duy trì tăng trưởng kinh tế do thiếu hụt lao động. Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia có dân số vàng, người lao động Việt Nam chăm chỉ, có tinh thần học hỏi.
Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác về lao động về cả chất lượng, quy mô và ngành nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Đồng thời, hai bên sẽ thực hiện quyết liệt các chính sách và biện pháp để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch của quá trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc, bao gồm cả việc áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các biện pháp để giảm số người lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao việc Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách mới và có nhiều nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hiệu quả hoạt động phái cử và tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc. Bộ trưởng Lee Jung Sik cũng bày tỏ vui mừng trước sự thành công của Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc. Bộ trưởng Lee Jung Sik thông tin, lao động Việt Nam hiện đã được tuyển dụng 5/6 ngành nghề cho phép người lao động nước ngoài làm việc (trừ nghề khai thác mỏ) và khẳng định các doanh nghiệp Hàn Quốc rất hài lòng và đánh giá cao tay nghề và ý thức làm việc của lao động Việt Nam. Đặc biệt, Chương trình EPS được sửa đổi theo hướng đảm bảo tốt hơn và thuận lợi hơn cho người lao động. Hiện nay, tổng số 17 nước tham gia thực hiện Chương trình EPS, Việt Nam là quốc gia có đông lao động nhất tham gia chương trình.
Kết thúc cuộc gặp, hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực lao động đi làm việc tại Hàn Quốc cũng như phát huy các dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, an toàn vệ sinh lao động giữa hai Bộ.
............................................................................................................................................
Ngày 19/3/2024 tại Trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có cuộc gặp gỡ, làm việc với ông Chang Won Sam - Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Tại cuộc gặp, hai bên cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề về hợp tác giữa hai chính phủ liên quan đến lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung vào đào tạo lao động có kỹ năng trong các ngành công nghiệp như đóng tàu, sản xuất ô tô, thiết bị điện tử thông minh…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh ý nghĩa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Hàn Quốc. Hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Thông tin với ông Chang Won Sam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, qua đề xuất từ các nghiệp đoàn của Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Tham gia cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) của Hàn Quốc, phía Việt Nam đánh giá đây là một chương trình rất hữu ích, với cả người lao động và hai quốc gia. "Người lao động Việt Nam tham gia chương trình EPS ngoài có công ăn việc làm, thu nhập cao, đời sống ổn định, còn đem lại lợi ích cho quốc gia. Tương tự, chương trình mang đến lực lượng lao động trẻ trung, dồi dào cho Hàn Quốc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét.
Thông tin thêm với vị Chủ tịch KOICA, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cuối năm 2023, Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã và đang xúc tiến hợp tác về bảo hiểm giữa hai quốc gia trên tinh thần thống nhất cao. Vào tháng 5/2024, khi Việt Nam thông qua luật BHXH sửa đổi, người lao động hai nước chỉ phải đóng bảo hiểm ở 1 nơi để hưởng đầy đủ quyền lợi, tránh được việc đóng song trùng bảo hiểm.
Hai bên cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề hợp tác giữa hai chính phủ về lao động, giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung vào đào tạo lao động có kỹ năng trong các ngành công nghiệp
Trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Chang Won Sam gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, cũng như cá nhân Bộ trưởng đã quan tâm, tạo điều kiện để số lượng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc không ngừng tăng lên. Ông Chang Won đánh giá, việc hợp tác này đưa lại lợi ích cho cả người lao động Việt Nam cũng như cho Hàn Quốc, khi tiếp nhận được nguồn nhân lực tốt.
Chia sẻ và mong nhận được ý kiến của lãnh đạo Bộ LĐTBXH Việt Nam về đề xuất ý tưởng chương trình NEXUS phát triển di cư của KOICA, ông Chang Won Sam cho biết, chương trình sẽ được triển khai tại một số quốc gia, trong đó ưu tiên thí điểm với Việt Nam trong năm 2024. Chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp gốc. Đồng thời hướng tới việc tăng cơ hội việc làm cho các lao động di cư, cải thiện thu nhập và củng cố năng lực cá nhân.
Thông qua chương trình này, Chủ tịch KOICA mong muốn đào tạo ra các chuyên gia lành nghề ngay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (TVET) của địa phương, kết nối người lao động với các cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp. Chương trình đồng thời hỗ trợ người lao động quay trở lại quê hương, nơi họ có thể tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Ngược lại, nguồn nhân lực từ Việt Nam sẽ giúp nhiều cho Hàn Quốc trong giải quyết vấn đề thiếu lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao lao động Việt Nam vì tính cần cù, chăm chỉ. Do đó, khi có bất kỳ dự án nào liên quan đến lao động, chúng tôi mong được thí điểm ở Việt Nam chứ không phải quốc gia nào khác bởi Việt Nam luôn là lựa chọn hàng đầu của Hàn Quốc. Mong rằng sau cuộc gặp Bộ trưởng, chương trình sẽ sớm được triển khai, ngay trong năm nay", ông Chang Won Sam nói.
Toàn cảnh buổi tiếp
Đáp lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, với khoảng 54 triệu lao động. Đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam. Để tận dụng lợi thế này, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Thời gian tới, cùng với đào tạo nghề cơ bản, Việt Nam sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng khoảng 50.000 kỹ sư về công nghệ chip, bán dẫn... đồng thời phấn đấu có được 150.000 nhân lực có tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã tạo điều kiện tiếp nhận lao động trong ngành đóng tàu, đánh bắt hải sản gần bờ. Hiện Việt Nam có 58 doanh nghiệp tham gia cung ứng với các công ty tiếp nhận lao động ngành đóng tàu của Hàn Quốc và đã có hơn 1.270 lao động Việt Nam xuất cảnh đi làm việc trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc. Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn phía bạn tiếp tục quan tâm, mở rộng một số nghề trong ngành đóng tàu như sơn tàu biển, điện.
Về chương trình phát triển di cư NEXUS mà ông Chang Won Sam đề cập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao ý tưởng này. Bộ trưởng tin tưởng đề án có nhiều thuận lợi khi thí điểm ở Việt Nam.
......................................................................
08/12/2023 Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hàn Quốc, chiều ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam, trò chuyện với cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện ngoại giao tại nước bạn. Tại Đại sứ quán, Thứ trưởng dâng hương tại chùa, được xây dựng mô phỏng Chùa Một Cột, không gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Đại sứ quán.
Đồng chí Nguyễn Việt Anh - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam nhận quà từ Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tặng
Gặp mặt lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan vui mừng vì những thay đổi tích cực của sứ quán cũng như đời sống của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Thứ trưởng cho biết, lần thăm sứ quán trước của ông gần 20 năm trước, đến nay cơ sở vật chất của cơ quan đã được nâng cấp xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam – Hàn Quốc. Đại sứ quán đã có những đóng góp quan trọng đối với hoạt động hợp tác lao động, nhân lực giữa hai quốc gia. So với thời điểm những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hoạt động đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài nói chung, đưa người Việt sang Hàn Quốc làm việc nói riêng có những thay đổi khác biệt.
Quang cảnh buổi gặp mặt của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc
Theo Thứ trưởng, chủ trương đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài đã được khẳng định là hướng đi đúng đắn, không chỉ tạo việc làm cho người Việt mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực tốt trở về nước phát triển kinh tế. Với những nỗ lực của Đại sứ, Tham tán công sứ để hỗ trợ cho hoạt động hợp tác lao động, đến nay, kết quả việc đưa lao động việt sang Hàn Quốc làm việc rất khả quan. Mỗi năm, số lượng lao động sang đây đã vượt con số 10.000 người. Lao động Việt Nam được Hàn Quốc đánh giá cao. Ngược lại, người lao động Việt cũng rất ưa chuộng môi trường, điều kiện và thu nhập tại xứ sở Kim Chi. Hàn Quốc đã trở thành một thị trường trọng điểm, chất lượng của hoạt động xuất khẩu lao động tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tặng quà Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan kể, trên chuyến bay sang Hàn, ông còn gặp, trò chuyện với một nữ lao động trẻ sang Hàn Quốc làm việc, kết hôn, sinh con nhỏ và còn được chủ sử dụng lao động tạo điều kiện cho đưa con qua lại, về Việt Nam thăm quê.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng băn khoăn về một số vấn đề với lao động Việt tại Hàn như đòi hỏi về thể lực, cạnh tranh về kỹ năng trong những ngành lao động như thuyền viên tàu biển… chưa bằng lao động tới từ nhiều quốc gia khác.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan mong muốn các hoạt động tại Đại sứ quán tiếp tục thuận lợi, đóng góp ngày càng tốt hơn cho công tác hợp tác lao động, nhân lực trong nước.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã tới thăm và tặng quà Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.